Lịch sử mâu thuẫn Hòa giải và hòa hợp dân tộc ở Việt Nam

Trước năm 1945, Đảng Cộng sản Đông Dương và các đảng phái Quốc gia khác tuy có ý thức hệ khác nhau nhưng vẫn có chung nền tảng giáo dục, thường xuyên có sự hợp tác và đôi khi có cùng quan hệ huyết thống hoặc hôn nhân. Trong giai đoạn 1924 - 1927, ở miền Nam Trung Quốc, các nhóm người Việt chống thực dân Pháp đa dạng tương tác với nhau, với cả người Trung Quốc, Triều Tiên và các dân tộc khác. Từ năm 1941 đến 1944 ở miền nam Trung Quốc, Đảng Cộng sản Đông Dương, Việt Nam Quốc Dân Đảng (Việt Quốc) và Việt Nam Cách mệnh Đồng minh Hội cùng tham gia vào mặt trận chống Nhật, đôi khi tố giác nhau với chính quyền Trung Quốc, nhưng không bắt cóc hoặc ám sát lẫn nhau. Chính sự cạnh tranh để kết nạp thành viên, thu nhận viện trợ cũng như sự bảo trợ của người Trung Quốc, hơn là sự khác biệt về ý thức hệ, mới là nguyên nhân khiến căng thẳng giữa các tổ chức lưu vong gia tăng. Trong nước, Đảng Cộng sản Đông Dương cũng từng hợp tác với những người Trotskyist tại Nam Kỳ trong giai đoạn 1933-1937.[6] Hai bên sau đó chỉ trích nhau chẳng hạn thành viên của Quốc tế thứ ba (Đảng Cộng sản Đông Dương) và Quốc tế thứ tư (những người Trotskyist) cáo buộc lẫn nhau là phục vụ lợi ích đế quốc.

Ban đầu cuộc tranh đấu chỉ trong phạm vi báo chí, truyền thông. Đến năm 1945 thì nhiều phe đã dùng vũ lực để tiêu diệt lẫn nhau. Ngay sau khi thành lập, Chính phủ Cách mạng Lâm thời ban hành các sắc lệnh giải tán một số đảng phái[7][8], với lý do các đảng này "tư thông với ngoại quốc", làm "phương hại đến nền độc lập Việt Nam và nền kinh tế Việt Nam" (như Việt Nam Quốc xã, Đại Việt Quốc dân đảng...) nhằm kịp thời trừng trị "bọn phản cách mạng", "bảo vệ" chính quyền non trẻ đồng thời "giáo dục ý thức về tinh thần cảnh giác" cho nhân dân.[9] Cùng với đó là giải tán các nghiệp đoàn[10] để kiểm soát nền kinh tế[11], thống nhất các tổ chức thanh niên (vào Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam). Việt Nam Quốc dân Đảng và Đại Việt Quốc dân đảng đã tổ chức các đội vũ trang như "Thần lôi đoàn", "Thiết huyết đoàn", "Hùm xám"... thực hiện các vụ cướp có vũ trang, bắt cóc, tống tiền, tổ chức ám sát những người theo Việt Minh và cả những người trung lập như ông Ba Viên (Ba Viên bị Quốc dân Đảng nghi ngờ là gián điệp của Pháp, sau khi gặp Hồ Chí Minh, Ba Viên quay về Hà Giang, bắt giữ và hành quyết một số đảng viên Việt Nam Quốc dân Đảng[12]) rồi tuyên truyền đổ lỗi cho Việt Minh đã không đảm bảo được an ninh trật tự ở Hà nội và một số đô thị ở Bắc Bộ.[13] Theo David G. Marr, đó là một thời kỳ đầy hận thù, phản bội và giết chóc. Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến được thành lập nhằm tạo khối đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc giữa các đảng phái. Việc các thành viên Việt Quốc và Việt Cách rời bỏ chính phủ, lưu vong sang Trung Quốc đã đánh dấu chấm hết cho thời kỳ hợp tác giữa Việt Minh và các đảng phái được nước ngoài ủng hộ tại miền Bắc, trong công cuộc "kháng chiến kiến quốc" mà Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến là biểu tượng. Cho tới tháng 8 năm 1946, các đảng phái được nước ngoài ủng hộ, ngoại trừ Giáo hội Công giáo, đều bị phá vỡ, vô hiệu hóa, hoặc buộc phải lưu vong[6]. Để củng cố đoàn kết dân tộc, Chính quyền Hồ Chí Minh đã cho phép các đảng phái được Pháp và Trung Hoa Dân quốc ủng hộ được tham gia Quốc hội bất chấp những đảng này trước đó đã không những không tham gia mà còn phá hoại Tổng tuyển cử toàn quốc năm 1946.[14]

Năm 1946, sau khi Pháp đưa quân tái xâm lược Việt Nam, Kháng chiến chống Pháp bùng nổ. Vệ quốc đoàn, quân đội của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Việt Minh kiểm soát, cùng nhiều lực lượng quân sự khác của các đảng phái quốc gia, các giáo phái cùng chống Pháp. Ở miền Bắc, các lực lượng quân sự của Đại Việt Quốc dân ĐảngViệt Nam Quốc dân Đảng liên kết với Trung Hoa Dân quốc để chống Pháp và chống Việt Minh. Ở miền Nam, lực lượng vũ trang Cao Đài, Hòa Hảo, Bình Xuyên hợp tác với lực lượng Việt Minh chống Pháp nhưng các lực lượng này bất đồng với Việt Minh. Sự bất đồng sau đó biến thành xung đột vũ trang. Sau sự kiện giáo chủ Hòa Hảo Huỳnh Phú Sổ mất tích, Hòa Hảo cho rằng ông bị Việt Minh thủ tiêu, các giáo phái chấm dứt hợp tác với Việt Minh, quay sang hợp tác với Chính phủ Cộng hòa Tự trị Nam Kỳ chống Việt Minh. Trước áp lực dư luận đòi trao trả độc lập cho Việt Nam, chính phủ Pháp đàm phán với cựu hoàng Bảo Đại được Mặt trận Thống nhất Quốc gia Liên hiệp, gồm các đảng phái quốc gia và các giáo phái, ủng hộ nhằm tìm một giải pháp chính trị cho cuộc chiến tại Đông Dương. Ngày 14 tháng 6 năm 1949 Quốc gia Việt Nam được thành lập. Theo Hiệp ước Élysée (1949), Pháp công nhận Quốc gia Việt Nam là một nước độc lập thuộc Liên hiệp Pháp, nhưng Pháp vẫn giữ quyền đại diện về ngoại giao và kiểm soát kinh tế. Quân đội Quốc gia Việt Nam phối hợp với quân đội Pháp chống lại Việt Minh. Năm 1954, Quốc gia Việt Nam ký Hiệp ước Matignon (1954) nhằm tách khỏi Liên hiệp Pháp, trở thành quốc gia hoàn toàn độc lập nhưng Hiệp ước này không có hiệu lực do chưa được Tổng thống và Quốc hội Pháp phê chuẩn. Đồng thời Pháp ký Hiệp định Genève, 1954 với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chấm dứt cuộc chiến của Pháp tại Việt Nam. Chiến tranh Đông Dương kết thúc. Quân đội Nhân dân Việt Nam tập kết về miền Bắc Việt Nam. Quân đội Liên hiệp Pháp và Quân đội Quốc gia Việt Nam tập kết về miền Nam Việt Nam, sau đó Pháp rút quân về nước để lại trách nhiệm thực thi Hiệp định cho Quốc gia Việt Nam. Vĩ tuyến 17 trở thành ranh giới tạm thời chia cắt Việt Nam thành hai vùng tập kết quân sự.

Quốc gia Việt Nam không đủ tư cách pháp lý để ký Hiệp định Genève[15] và từ chối tổ chức tổng tuyển cử thống nhất Việt Nam theo Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Genève với lý do "nghi ngờ về việc có thể đảm bảo những điều kiện của cuộc bầu cử tự do ở miền Bắc"[16]. Nhiều ý kiến cho rằng, do Quốc gia Việt Nam vẫn được đại diện bởi Pháp nên Quốc gia Việt Nam vẫn phải thực hiện các điều khoản mà Pháp tham gia hoặc không phản đối.[15] Trong khi đó, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vẫn nỗ lực mạnh mẽ để tổ chức được cuộc Tổng tuyển cử. Sau gian lận Cuộc trưng cầu dân ý miền Nam Việt Nam, 1955, Thủ tướng Quốc gia Việt Nam Ngô Đình Diệm truất phế quốc trưởng Bảo Đại để lên nắm quyền trở thành Quốc trưởng Quốc gia Việt Nam.[17]. Hoa Kỳ cho rằng, Ngô Đình Diệm không có khả năng chiến thắng khi tham gia Tổng tuyển cử với miền Bắc. Việt Nam Cộng hòa được thành lập thay thế Quốc gia Việt Nam. Ngô Đình Diệm được bầu làm Tổng thống Việt Nam Cộng hòa. Ngô Đình Diệm thi hành chính sách tố Cộng diệt Cộng bắt giam và tàn sát một cách có hệ thống những người cộng sản miền Nam và đàn áp những người chống đối chính quyền Ngô Đình Diệm. Những người cộng sản đáp trả bằng cách ám sát các viên chức Việt Nam Cộng hòa, hợp tác với các giáo phái chống chính quyền Việt Nam Cộng hòa và cuối cùng là khởi nghĩa vũ trang. Năm 1960, họ thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và sau đó là Quân Giải phóng miền Nam Việt NamChính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam để đấu tranh vũ trang chống Việt Nam Cộng hòa cũng như đòi thống nhất đất nước, hòa hợp và hòa giải dân tộc. Chiến tranh Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn mới khi lực lượng chống chính quyền Việt Nam Cộng hòa chuyển hướng từ đấu tranh chính trị sang đấu tranh chính trị kết hợp đấu tranh vũ trang.[18]

Chiến tranh Việt Nam (19551975) giữa một bên là Hoa Kỳ và một số đồng minh nhằm hỗ trợ Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam Việt Nam[19]; một bên là Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Cộng hòa Miền Nam Việt Nam tại miền Nam Việt Nam do Trung ương Cục miền Nam lãnh đạo, cùng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, do Đảng Lao động Việt Nam lãnh đạo, được sự viện trợ vũ khí và chuyên gia từ các nước xã hội chủ nghĩa, chủ yếu là Liên Xô[20]Trung Quốc. Cuộc chiến này kết thúc với sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, khi Tổng thống Dương Văn Minh của Việt Nam Cộng hòa đầu hàng Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, trao chính quyền lại cho Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam.[21].

Sau khi đất nước thống nhất, ở miền Nam, số tàn quân của quân đội Việt Nam Cộng Hòa tan rã tại chỗ còn khá đông, một số vẫn tiếp tục lẩn trốn và tìm cách chống lại chính quyền mới qua nhiều hoạt động, thậm chí cả hoạt động vũ trang nhưng không thành công.[22] Một số còn thu thập nhân lực, chôn giấu vũ khí, xây dựng kế hoạch hoạt động vũ trang để lập vùng ly khai[23][24]. Tháng 6/1975, Chính phủ Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra thông cáo bắt buộc sĩ quan quân đội và viên chức thuộc chế độ Việt Nam Cộng hòa đi học tập cải tạo nhưng không ai trong số này bị xét xử với các tội danh như tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người mặc dù nhiều binh sỹ, sỹ quan Quân lực Việt Nam Cộng hòa trước đây đã gây ra những vụ thảm sát với dân thường. Sau học tập cải tạo, những người này được phục hồi đầy đủ quyền công dân.

Căng thẳng ngoại giao với Trung Quốc và các sự kiện liên quan (như vụ việc treo ảnh Mao Trạch Đông và cờ Trung Quốc tại Chợ Lớn) khiến chính phủ Việt Nam tập trung vào một đối tượng khác là người gốc Hoa sống tại Việt Nam. Chính phủ đưa ra thời hạn để người gốc Hoa đăng ký nhập tịch Việt Nam, những người gốc Hoa không chịu đăng ký quốc tịch Việt Nam bị mất việc và giảm tiêu chuẩn lương thực, tất cả các tờ báo tiếng Trung Quốc, trường học dành riêng cho người Hoa đã bị đóng cửa trong giai đoạn 1975-1979.[25] Vấn đề Hoa kiều đã được chính phủ Việt Nam xem là một thử thách đối với chủ quyền quốc gia hơn là một vấn đề nội bộ đơn giản.[25]

Ngoài ra, các tài liệu của phía Mỹ được tiết lộ cho hay, trước năm 1975, họ đã hỗ trợ phong trào ly khai của các dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên thành lập 5 trại huấn luyện, chiêu mộ 3.000 thanh niên người dân tộc với mục tiêu đòi độc lập cho vùng này. Năm 1965, cuộc nổi dậy của FULRO thất bại và bị quân đội Việt Nam Cộng Hòa đàn áp nhưng phong trào vẫn chưa bị triệt hạ hẳn. Tháng 4/1975, một nhóm ủng hộ FULRO điều đình và thoả thuận với các quan chức Mỹ sẽ tiếp tục chiến đấu chống lại chính phủ Việt Nam. Kể từ đó, sau năm 1975, những thành viên FULRO chạy trốn sang Campuchia đã liên kết với Khmer Đỏ để tiến hành chiến tranh du kích chống chính phủ Việt Nam.

Tuy các cuộc chiến kết thúc nhưng những mâu thuẫn giữa các cá nhân đã hoặc đang phục vụ cho một trong các bên cùng gia đình và các thế hệ sau của họ lại bắt đầu. Những mâu thuẫn quyền lợi, ý thức hệ, lập trường chính trị, cách nhìn nhận cuộc chiến... diễn ra âm ỉ, phức tạp theo từng thời gian và sự kiện của Việt Nam. Dù xuất phát từ lý do gì thì sự mâu thuẫn nội bộ của người Việt sẽ làm trì trệ sự phát triển của dân tộc. Hiểu được điều đó, nhiều học giả và trí thức trong và ngoài Việt Nam đã kêu gọi tìm kiếm sự "Hòa giải và hòa hợp dân tộc" và hành động để điều đó trở thành hiện thực.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Hòa giải và hòa hợp dân tộc ở Việt Nam http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/2011/04/buoi-phat-t... http://quochoi.org/tren-con-duong-hoa-giai-dan-toc... http://www.bbc.co.uk/vietnamese/av/2009/03/090301_... http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2014/02/1402... http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2011/03/11... http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2007... http://baodatviet.vn/van-hoa/nguoi-viet/khai-mac-t... http://baoquocte.vn/hiep-dinh-paris-qua-tai-lieu-c... http://baoquocte.vn/khoi-dong-trai-he-viet-nam-201... http://baoninhthuan.com.vn/diendan/61402p1c155/dau...